"Thế giới khác" ở Mông Cổ: quái thú cao 3 mét sống cùng 2 loài người tuyệt chủng
Những bức tranh hàng chục ngàn năm tuổi trên những tảng đá ở sa mạc Gobi (Mông Cổ) đã dẫn đường đến thế giới đầy rẫy những sinh vật giống lạc đà nhưng to lớn quá khổ, tồn tại song song với 2 loài người cổ đại.
Nghiên cứu vừa công bố trên Frontiers in Earth Science đã giới thiệu về Camelus knoblochi, một loài lạc đà đã tuyệt chủng với kích thước có thể gây hoảng sợ đối với người hiện đại: cao đến 3 mét, nặng 1 tấn.
Và Mông Cổ chính là nơi chôn giấu bí ẩn về sự "bốc hơi" của chúng 27.000 năm trước.
Các bức tranh cổ đại mô tả về một sinh vật to lớn dị thường mà người tiền sử đã săn bắt - Ảnh: Frontiers in Earth Science
Quái thú khổng lồ này đã tồn tại song song với 2 loài người cổ đại từng chiếm lĩnh vùng đất khắc nghiệt này: người Neanderthals và Denisovans, 2 loài cùng thuộc chi Người (Homo) với người hiện đại Homo sapiens chúng ta, và nổi tiếng là những thợ săn thiện chiến.
Theo Ancient Origins, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ John W. Olsen, Giám đốc Điều hành Quỹ Je Tsongkhapa dành cho Khảo cổ học Trung và Nội Á tại Đại học Arizona ở Tucson (Mỹ), đã lần theo manh mối từ những bức tranh trên vách hang động người tiền sử ở khu vực Mông Cổ, mô tả một sinh vật giống lạc đà, có 2 bướu nhưng to lớn dị thường. Một số bức tranh mô tả cảnh con người bé nhỏ đang cố chiến đấu với "quái thú" này.
Họ đã tìm kiếm và phân tích 5 xương chân và bàn chân của Camelus knoblochi, được thu thập trong hang Tsagaan Agui ở Mông Cổ vào năm 2021 bên cạnh xương chó sói, linh cẩu hang động, linh cẩu Mông Cổ,, tê giác, ngựa, lừa hoang, cừu hoang...
Phân tích cho thấy đó là những con vật to lớn nhưng khá ngờ nghệch, sống trên thảo nguyên, miền núi lẫn vùng đất thấp chứ không phải chỉ ở sa mạc như lạc đà Bactrian - họ hàng hiện đại bé nhỏ của nó.
Nếu còn sống, loài lạc đà khổng lồ này sẽ là phiên bản phóng to của lạc đà Bactrian trong ảnh - Ảnh: ilyaska / Adobe Stock
Có vẻ nguyên nhân tuyệt chủng của Camelus knoblochi là do kém thích nghi với quần xã sinh vật và cảnh quan sa mạc, kết hợp với những biến đổi khắc nghiệt của khí hậu 27.000 năm trước.
Đồng thời, sự săn bắt của con người cũng có thể đã đẩy nhanh sự tuyệt chủng của lạc đà khổng lồ, bởi người ta không tìm thấy bằng chứng cho thấy người Neanderthals và người Denisovans thuần hóa chúng, nhưng có dấu vết cho thấy họ đã ăn chúng.
Tuy nhiên, vì 2 loài này tuyệt chủng khoảng 30.000-40.000 năm trước nên có thể lạc đà khổng lồ Camelus knoblochi đã sống lâu hơn một chút, nhưng cuối cùng thiên nhiên đã kết thúc phần việc còn lại lên nhóm cá thể ít ỏi cuối cùng.